Cách chữa viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt đơn giản

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng. Các yếu tố này kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng phóng thích chất trung gian gây viêm và làm phát sinh thương tổn trên da. Triệu chứng của bệnh thường có mức độ nhẹ đến trung bình và có thể thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc kết hợp với điều trị tại nhà.

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt là gì?

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt là một dạng của viêm da tiếp xúc – bên cạnh viêm da tiếp xúc kích ứng. Bệnh xảy ra khi da tiếp xúc với chất gây dị ứng, sau đó kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, gây phóng thích histamine và một số chất trung gian gây viêm, dẫn đến hình thành các triệu chứng trên da.

Triệu chứng thường xảy ra khu trú ở vùng da mặt. Tuy nhiên, thương tổn cũng có thể lan tỏa rộng do bị kích thích bởi phản ứng dị ứng toàn thân (dùng thuốc hoặc ăn thực phẩm gây dị ứng). Da mặt có đặc tính mỏng, tần suất tiếp xúc cao và nhạy cảm nên dễ bị tổn thương khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích.

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt thường có mức độ nhẹ hơn so với bệnh xảy ra ở tay hoặc chân. Nếu kiểm soát và điều trị đúng cách, thương tổn trên da có thể thuyên giảm và hạn chế nguy cơ tái phát.

Nhận biết viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt thường phát sinh thương tổn sau khoảng vài giờ tiếp xúc với chất dị ứng. Thông thường, bệnh chỉ gây triệu chứng ở phạm vi da có tiếp xúc trực tiếp với yếu tố kích thích. Tuy nhiên trong một số trường hợp, triệu chứng phát sinh có thể xảy ra ở mặt và lan tỏa đến một số vùng da lân cận.

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt gây đỏ da, ngứa ngáy, nóng rát và châm chích

Các triệu chứng nhận biết viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt, bao gồm:

  • Da mặt xuất hiện phát ban có màu hồng hoặc đỏ
  • Nóng rát da kèm ngứa ngáy
  • Xuất hiện mụn nước kèm chảy dịch và đóng vảy
  • Sau khi mụn nước tiêu biến, da thường có dấu hiệu khô và nứt nẻ
  • Ở một số trường hợp, bệnh có thể gây đỏ toàn bộ da mặt và sưng mí mắt
  • Với những trường hợp nặng, thương tổn da có thể lan tỏa đến da dầu, tai và cổ
Thương tổn da có thể lan tỏa sang vùng da đầu, cổ, ngực và tai

Trên thực tế, hình thái tổn thương do viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt còn phụ thuộc vào độ tuổi, cơ địa và nguyên nhân gây bệnh. Vì vậy trong một số trường hợp, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng không được đề cập trong bài viết.

Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt ít phổ biến hơn so với viêm da tiếp xúc kích ứng. Với viêm da tiếp xúc kích ứng, các yếu tố gây bệnh thường ăn mòn lớp sừng của da, khiến màng lipid bị hư hại, dẫn đến tình trạng suy giảm sức đề kháng và bùng phát các triệu chứng của bệnh.

Trong khi đó, viêm da tiếp xúc dị ứng khởi phát thương tổn bằng cách kích thích hệ miễn dịch phóng thích chất trung gian gây viêm và gây ra các triệu chứng trên da.

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt có thể xảy ra khi dùng mỹ phẩm chứa thành phần kích ứng

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt thường xảy ra do tiếp xúc với một số chất dị ứng như sau:

  • Mỹ phẩm (đặc biệt là các sản phẩm có chứa hương liệu, chất bảo quản và dầu khoáng)
  • Nhựa độc từ thực vật và côn trùng
  • Thuốc nhuộm tóc
  • Một số loại thuốc như thuốc kháng histamine, kháng sinh
  • Các chất có trong không khí như phấn hoa, kim loại nặng, bụi mịn,…
  • Tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài

Ngoài ra, bệnh có thể khởi phát do một số yếu tố rủi ro như:

  • Làm các công việc có tần suất tiếp xúc với chất dị ứng cao như điều phối giao thông, thợ làm tóc, người mẫu ảnh,…
  • Người có làn da khô, mỏng và nhạy cảm
  • Da mặt từng có tiền sử bị nổi mề đay, viêm da tiết bã hoặc viêm da cơ địa

Viêm da tiếp xúc ở mặt gây ảnh hưởng như thế nào?

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt chỉ gây tổn thương ngoài da và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên do triệu chứng xảy ra ở mặt nên bệnh có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý của bệnh nhân. Hơn nữa ngoài thương tổn da, bệnh còn gây ngứa ngáy, khó chịu, nóng rát kéo dài và dẫn đến tình trạng bứt rứt và giảm chất lượng cuộc sống.

Nếu chăm sóc và tích cực điều trị, triệu chứng trên da mặt có thể được điều trị triệt để và không gây ảnh hưởng nặng nề. Ngược lại trong trường hợp chủ quan không tiến hành xử lý và khắc phục sớm, bệnh có thể tiến triển nặng nề và gây ra một số biến chứng như:

  • Gây sẹo: Da mặt thường mỏng và có độ nhạy cảm cao. Vì vậy nếu không xử lý thương tổn kịp thời, da có thể bị hư hại và dễ để lại sẹo. Sẹo xuất hiện ở mặt gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và ngoại hình.
  • Nhiễm trùng da: Để giảm tình trạng ngứa, một số người có thói quen gãi cào lên da mặt. Tuy nhiên thói quen này có thể khiến mụn nước vỡ, tạo vết thương hở và tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trong trường hợp này, bệnh được gọi là viêm da tiếp xúc bội nhiễm.

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt nên dùng thuốc gì?

Nếu triệu chứng trên da khởi phát đột ngột và lan tỏa nhanh chóng, bạn nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám, đánh giá mức độ tổn thương và chỉ định một số loại thuốc sau:

Thuốc bôi corticoid, thuốc kháng histamine,… được dùng trong điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng
  • Thuốc bôi corticoid: Thuốc bôi corticoid là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị viêm da tiếp xúc và một số vấn đề da liễu khác. Thuốc có tác dụng giảm viêm, ngứa và nóng rát ở vùng da bị ảnh hưởng. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây mỏng da, mụn trứng cá,… nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn.
  • Thuốc kháng histamine: Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt có thể gây ngứa ngáy và khó chịu. Để làm giảm tình trạng, bạn có thể dùng một số loại thuốc kháng histamine H1 như Cetirizin, Loratadin, Chlorpheniramine,… Thuốc có tác dụng ức chế chất trung histamine ở thụ thể H1, từ đó làm giảm các triệu chứng thực thể và cơ năng của bệnh.
  • Thuốc uống chứa corticoid: Đối với những trường hợp tổn thương da có mức độ nặng và tiến triển phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định corticoid dạng uống. Nhóm thuốc này có hiệu lực mạnh và kiểm soát triệu chứng của bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên do có tác dụng phụ nguy hiểm (suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, loãng xương, xuất huyết tiêu hóa,…) nên corticoid đường uống chỉ được dùng trong những trường hợp cần thiết.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng trong trường hợp vùng da ảnh hưởng bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Thuốc được chỉ định trong khoảng 5 – 15 ngày tùy vào mức độ bội nhiễm.

Trên thực tế, viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt thường có mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với thuốc bôi chứa corticoid. Rất ít trường hợp phải sử dụng kháng sinh và corticoid đường uống.

Cách chữa viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt tại nhà

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng với một số biện pháp khắc phục tại nhà. Kết hợp đồng thời điều trị chuyên sâu và những biện pháp này có thể tăng tốc độ phục hồi, bảo vệ da và ngăn ngừa biến chứng.

1. Tránh xa các chất dị ứng/ kích ứng

Tiếp xúc với chất dị ứng/ kích ứng có thể kích thích phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch và khiến triệu chứng trên da có xu hướng nặng nề hơn. Vì vậy trong thời gian điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt, bạn cần tránh tiếp xúc với các yếu tố sau:

Tránh ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng trong thời gian điều trị
  • Xem xét các sản phẩm chăm sóc da (sữa rửa mặt, kem chống nắng, toner, kem dưỡng,…) và chủ động loại trừ các sản phẩm chứa thành phần dễ gây kích ứng và tổn thương da.
  • Tránh tiếp xúc với các yếu tố dễ gây kích thích da như ánh nắng, phấn hoa, mạt bụi, côn trùng và nhựa thực vật.
  • Hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống dễ gây dị ứng như rượu bia, hải sản, đậu phộng, thức ăn nhanh,…
  • Trao đổi với bác sĩ về việc thay đổi thuốc điều trị nếu nghi ngờ viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt xảy ra do tác dụng phụ của thuốc.
  • Tránh trang điểm trong thời gian điều trị. Lớp trang điểm có thể gây bí tắc da và khiến các triệu chứng bùng phát mạnh hơn.

2. Dưỡng ẩm cho da

Khi bị viêm da tiếp xúc dị ứng, da mặt thường có xu hướng suy yếu và giảm khả năng đề kháng. Do đó trong thời gian này, bạn cần tích cực dưỡng ẩm cho da. Da được cung cấp đủ độ ẩm sẽ giảm tình trạng khô ráp, bong tróc, sưng đỏ và ngứa ngáy.

Để làm dịu da và cải thiện các triệu chứng nhanh chóng, nên ưu tiên sử dụng các loại kem dưỡng có chứa các thành phần lành tính như Glycerin, Acid hyaluronic acid, Niacinamide, Zinc, Oats extract,… Ngoài ra, bạn cũng có thể trao đổi với bác sĩ da liễu để được tư vấn loại kem dưỡng có công thức và kết cấu phù hợp với loại da.

3. Chườm khăn lạnh

Ngay khi da bùng phát triệu chứng sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, bạn nên rửa sạch mặt và chườm khăn lạnh lên da. Nhiệt độ lạnh có thể giảm nóng rát, cải thiện viêm và ngứa ngáy ở vùng da mặt. Hơn nữa, biện pháp này còn có thể ngăn chặn tình trạng tổn thương lan tỏa rộng đến da dầu, cổ, ngực và tai.

4. Dùng mặt nạ thiên nhiên

Khi thương tổn trên da đã thuyên giảm dần, bạn có thể kết hợp việc sử dụng thuốc với một số công thức mặt nạ từ nguyên thiên nhiên nhằm duy trì độ ẩm cho da, phục hồi lớp lipid và ngăn ngừa thâm sẹo.

Một số mặt nạ giúp làm giảm viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt, bao gồm:

– Mặt nạ yến mạch và sữa chua:

Yến mạch có chứa axit ferulic và avenanthramides, có tác dụng chống oxy hóa, phục hồi hàng rào bảo vệ da và giảm ngứa ngáy. Trong khi đó, sữa chua có khả năng dưỡng ẩm, làm mềm da và loại bỏ tế bào chất.

Công thức mặt nạ từ yến mạch và sữa chua thích hợp với trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt gây đỏ da, ngứa ngáy, khô ráp và bong tróc.

Mặt nạ yến mạch chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm viêm và ngứa ngáy

Cách thực hiện:

  • Trộn đều 1 thìa cà phê bột yến mạch với 2 thìa sữa chua không đường
  • Làm sạch da mặt và thoa hỗn hợp lên da
  • Lưu mặt nạ trên da trong khoảng 10 phút
  • Sau đó massage nhẹ nhàng để loại bỏ vảy da bong tróc và rửa lại với nước ấm

– Mặt nạ từ gel nha đam

Gel nha đam có đặc tính làm dịu, dưỡng ẩm và làm mềm da. Sử dụng nguyên liệu này lên vùng da bị ảnh hưởng có thể giảm nhanh tình trạng nóng rát, sưng đỏ và ngứa ngáy rõ rệt.

Ngoài ra, gel nha đam còn chứa polyphenol, quercetin, axit amin và một số nguyên tố vi lượng giúp tái tạo tế bào tổn thương, điều hòa hoạt động miễn dịch của da và giảm các triệu chứng do phản ứng quá mẫn.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch 1 lá nha đam, sau đó gọt vỏ và ngâm rửa cho sạch mủ
  • Làm sạch da mặt và dùng gel nha đam thoa lên da
  • Để trong khoảng 10 phút và rửa lại với nước sạch

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng gel nha đam để dưỡng ẩm da mặt, ngăn ngừa tình trạng khô ráp và bong tróc.

– Mặt nạ từ quả bơ và mật ong

Mặt nạ từ quả bơ và mật ong thích hợp với người có da mặt khô, bong tróc và thiếu mịn màng. Cả mật ong và bơ đều có tác dụng dưỡng ẩm, làm dịu da và ngăn ngừa thâm sẹo.

Áp dụng công thức này thường xuyên giúp nuôi dưỡng làn da, giảm các triệu chứng do viêm da dị ứng tiếp xúc và ngăn ngừa sẹo sau khi điều trị.

Mặt nạ từ quả bơ và mật ong thích hợp với người có làn da khô ráp và bong tróc mạnh

Cách thực hiện:

  • Nghiền nát ¼ quả bơ và trộn đều 2 thìa cà phê mật ong
  • Rửa sạch da mặt và thoa hỗn hợp lên da
  • Để mặt nạ trên da trong khoảng 15 phút
  • Cuối cùng, massage nhẹ nhàng và rửa lại với nước ấm

Phòng ngừa viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt bằng cách nào?

Viêm da tiếp xúc dị ứng có liên quan đến phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch. Vì vậy bệnh có khả năng tái phát cao và thường có xu hướng nặng nề hơn so với lần khởi phát đầu tiên. Do đó sau khi điều trị, bạn nên thực hiện một số biện pháp giảm nguy cơ bệnh tái phát như:

  • Thận trọng khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc và trang điểm.
  • Sử dụng kem chống nắng, mang dù, đội mũ và mặc áo khoác khi di chuyển ngoài trời.
  • Vệ sinh da mặt và dưỡng ẩm cho da đều đặn.
  • Tuyệt đối không dùng các loại thực phẩm và đồ uống từng có tiền sử dị ứng.
  • Thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử dị ứng để được chỉ định các loại thuốc phù hợp.
  • Sử dụng máy lọc không khí và trồng nhiều cây xanh nếu sinh sống trong môi trường ô nhiễm.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, luyện tập đều đặn và thiết lập thời gian sinh hoạt hợp lý nhằm nâng cao sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt là bệnh da liễu tương đối lành tính và ít phát sinh biến chứng. Tuy nhiên nếu không xử lý và chăm sóc đúng cách, thương tổn da có thể tiến triển mãn tính, lan tỏa rộng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình và chất lượng cuộc sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *